Anh công an tạo trend “vẽ” cờ Tổ quốc bằng 75 giấy chứng nhận hiến máu
Người tạo ra trend xếp hình lá cờ Tổ quốc từ giấy chứng nhân hiến máu chính là Thượng úy Trần Văn Phú (Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị, Công an tỉnh Hậu Giang).
Hiến máu lần đầu tiên khi vừa tròn 18 tuổi vào năm 2008, đến nay, Thượng úy Phú đã có 83 lần hiến máu, hiến tiểu cầu.
Vào ngày 17/8. trong lúc tập hợp hồ sơ, anh chợt nảy ra ý định xếp thử giấy chứng nhận hiến máu. “Chỉ mất vài phút nên hình ngôi sao chưa được đều lắm, nhưng Phú không ngờ là sau khi gửi ảnh cho một người bạn thì ngay lập tức được bạn hưởng ứng và lan tỏa ngay trong đêm.
Do thất lạc một số giấy chứng nhận, nên hình này được xếp từ 75 tờ”, Thượng úy Trần Văn Phú chia sẻ về “3 phút ngẫu hứng tạo nên trend” của mình.
Phú từng kể, anh có 2 mục tiêu cháy bỏng khi còn học phổ thông: một là thi đỗ vào Trường Đại học Kỹ thuật – Hậu cần Công an Nhân dân (Bắc Ninh), hai là được hiến máu tình nguyện. Và đến giờ, anh đã hoàn thành xuất sắc cả 2 mục tiêu ấy.
Năm 2008, khi vừa tròn 18 tuổi, Phú đã cùng những người bạn bắt xe buýt từ trường đến Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương (tại Hà Nội) với quãng đường 60km để hiến máu.
Sau khi hiến máu, anh cảm thấy tinh thần vui vẻ, hạnh phúc hơn khi biết mình đã làm được một việc tốt, hơn nữa sức khỏe luôn được cải thiện. Hiểu được những lợi ích của hiến máu nên cứ định kỳ 3 tháng 1 lần, anh lại tham gia và coi đây như một việc làm hoàn toàn bình thường. Sau này, Phú còn hiến tiểu cầu để được góp sức thường xuyên hơn.
Cũng thời sinh viên, Phú còn từng đi 700km vào Thừa Thiên Huế hiến máu. “Hôm ấy, đọc được thông tin trên Facebook về một nạn nhân ở Huế đang nguy kịch vì tai nạn giao thông, cần tiểu cầu nhóm A để cấp cứu. Nghĩ đến tính mạng người bệnh đang ngàn cân treo sợi tóc, lại cùng nhóm máu với mình, tôi đã lập tức ra bắt xe vượt qua quãng đường gần 700km vào Huế”.
Sau này khi công tác ở nhiều vị trí khác nhau hoặc khi tiếp tục học tập tại TP. Hồ Chí Minh, Phú đều tích cực hiến máu, hiến tiểu cầu.
Phú chia sẻ: “Là một chiến sĩ Công an nhân dân, tôi luôn xem việc hiến máu cứu người là trách nhiệm, là nghĩa vụ phải làm dù ở bất cứ nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Chỉ cần nhìn thấy những bệnh nhân đang khỏe lên từng ngày là lòng mình thấy mãn nguyện”.
Phú cũng mong muốn mọi người hãy tiếp tục lan tỏa, đồng hành với hoạt động này: “Mỗi người hãy biết chia sẻ, biết cho đi, biết trao tặng những gì tốt nhất mà mình có cho người khác”.
Đến nay, với 83 lần hiến máu và lưu giữ được 75 tờ giấy chứng nhận ép plastic cẩn thận, Thượng úy Trần Văn Phú rất hạnh phúc và bất ngờ khi hành động ngẫu hứng của mình được hàng ngàn người hiến máu trên cả nước ủng hộ, lan tỏa.
“Ban đầu khi nảy ra ý tưởng xếp những tấm giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện thành lá cờ Tổ quốc, tôi cũng không nghĩ mình được cộng đồng hưởng ứng đến vậy.
Thấy hàng ngàn lá cờ Tổ quốc trên mạng xã hội được mọi người xếp rất chỉn chu, đẹp và sáng tạo ra nhiều hình thức khác nhau, tôi vô cùng tự hào. Lá cờ Tổ quốc được tạo thành từ những tấm “sổ đỏ” vừa là biểu hiện của lòng nhân ái, vừa thể hiện tinh thần yêu nước”.
Hành động “đu trend” tạo cờ Tổ Quốc bằng “sổ đỏ” hiến máu đầy ý nghĩa
Ngay sau đó, trào lưu ý nghĩa “xếp giấy chứng nhận hiến máu thành hình lá cờ” đã được cộng đồng người hiến máu cả nước hưởng ứng, vừa thể hiện tinh thần yêu nước, tự hào vừa góp phần lan tỏa giá trị nhân văn của hành động hiến máu cứu người.
Nhiều lời bình luận xuất hiện trên fanpage của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: “sáng tạo và ý nghĩa”, “trend này tui đu được nha”, “Viện đón tiếp người hiến máu xuyên trưa, em cũng thức xuyên trưa xếp hình cờ Tổ quốc”, “đu trend hơi chậm. Thiếu 1 tấm nên dùng tạm thư chúc tết năm xưa của Viện, “Trend này hay quá 13 tờ không biết có xếp được không”, “Này là đầy đủ của câu “yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”…
Có bạn lại khá vất vả cho sản phẩm ý nghĩa này: “16 phiếu cũng loay hoay mãi”, “toát mồ hôi vì xếp cờ đây ạ, bật quạt thì bay”, “hoa mắt mỏi lưng lắm ạ”…
Nhưng trên tất cả đó là tinh thần vì người bệnh, được góp sức có thêm gia tài là nhiều “sổ đỏ” từ việc hiến máu. Bạn Nguyễn Minh Thư chia sẻ: “Em cũng mới đu trend này ad ơi! Có 11 giấy nên cũng hơi chật vật ạ. Phấn đấu nhiều hơn để dễ xếp ạ”… hay “Khoe để có động lực cố gắng tiếp ad ơi” (Phạm Thúy Quỳnh)…
Là những người hưởng ứng ý tưởng của Thượng úy Phú đầu tiên, hai chị em sinh đôi Vũ Thị Thái Bình và Vũ Thị Hà Tĩnh (TP. Hồ Chí Minh) đã xếp hình lá cờ Tổ quốc từ 60 giấy chứng nhận hiến máu của cả 2 chị em. Thái Bình và Hà Tĩnh đều từng là tình nguyện viên Hành trình Đỏ.
Thái Bình cho biết: “Thật trùng hợp là kích thước tỉ lệ của lá cờ trùng với với tỉ lệ của giấy chứng nhận hiến máu, vừa có mặt màu đỏ và mặt màu vàng. Bình làm kích thước ngang 6 x dọc 6, viền vàng lá cờ 10 và lót dọc các cánh.
Do Bình và Tĩnh có 60 giấy chứng nhận nên có thể xếp như hình. Các bạn có thể làm với kích thước 5×5, 4×4 hoặc nhà có điều kiện thì làm to hơn”. Sau đó 2 bạn cũng thử tạo hình lá cờ nhỏ hơn chỉ với 30 giấy chứng nhận.
Vợ chồng Thiếu tá Bùi Hoàng Ly Ly (Học viện Cảnh sát nhân dân) và Thiếu tá Nguyễn Văn Nguyên (Học viện An ninh nhân dân) đã dành 39 phút vừa tranh luận, thử các phương án để hoàn thành tác phẩm từ “sổ đỏ” hiến máu của 2 vợ chồng.
“Hẻm có nóc nhà để sơn, cũng không có cửa cuốn để tô, em khắc họa theo cách của người hiến máu, hướng đến 2/9 theo cách MÁU nhất”, chị Ly hào hứng.
Cùng ngắm nhìn thêm những tác phẩm “đu trend” xếp hình lá cờ Tổ quốc bằng “sổ đỏ” của cộng đồng người hiến máu:
Không chỉ người Việt Nam, ngày 20/8, ông Chinoros Bẹnachavakul (người Thái Lan, Phó Tổng giám đốc cấp cao Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam) cũng hưởng ứng xếp hình lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam bằng giấy chứng nhận hiến máu của mình.
Ông Chinoros đã có 60 lần hiến máu ở cả hai quốc gia, trong đó 32 lần tại Việt Nam.
Đời sống | Tổng hợp tin tức đời sống mới nhất trong ngày