Theo chính phủ Nhật Bản, số ca sinh tại nước này trong năm 2024 dự kiến sẽ lần đầu tiên giảm xuống dưới 700.000. Đây là nhận định sau khi dữ liệu mới đây được công bố, cho thấy con số trong nửa đầu năm giảm 6,3% so với năm trước, xuống còn 329.998.
Số liệu của sáu tháng đầu năm nay, không bao gồm người nước ngoài, phản ánh tỷ lệ sinh vẫn duy trì ở mức thấp kỷ lục trong những năm qua, do ngày càng nhiều người lựa chọn không kết hôn hoặc trì hoãn kết hôn và sinh con đến thời điểm muộn hơn trong cuộc sống.
Số ca tử vong trong nửa đầu năm tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái, lên đến 800.274, và mức giảm tự nhiên, lấy số sinh trừ đi số tử vong, là 470.276, theo dữ liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi.
Với việc dân số giảm liên tục trong 15 năm liên tiếp tính đến năm 2023, Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, đe dọa đến sự bền vững của các hệ thống an sinh xã hội như chăm sóc sức khỏe và lương hưu, trong khi các dịch vụ của chính quyền địa phương có thể đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Tỷ lệ sinh giảm mạnh, các nước phát triển đối mặt ra sao?
Chính phủ đang nỗ lực tăng tỷ lệ sinh bằng cách mở rộng trợ cấp chăm sóc trẻ em và cung cấp các lợi ích cho người nghỉ phép để chăm sóc gia đình, cùng với các biện pháp khác, vì Nhật Bản xem khoảng thời gian đến đầu những năm 2030 là “cơ hội cuối cùng” để đảo ngược khủng hoảng tỷ lệ sinh.
Con số sinh tương đương trong nửa đầu năm 2023 là 352.240, với tổng số cả năm đạt 727.277.
Dữ liệu sơ bộ do bộ công bố vào tháng 8/2024 cho thấy số trẻ sinh ra tại Nhật Bản, bao gồm cả con của người nước ngoài và của công dân Nhật sống ở nước ngoài, đã giảm 5,7% so với năm trước, xuống còn 350.074 trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6/2024.
Không phải chỉ mỗi Nhật Bản phải đối mặt với vấn đề này, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức (Ifo), tỷ lệ sinh ở Đức đã giảm xuống mức thấp kỷ lục với chỉ 1,35 trẻ trên một phụ nữ, thấp hơn nhiều so với 1,58 trẻ vào năm 2021. Sự suy giảm này thể hiện rõ hơn ở các bang phía Đông Đức, nơi số ca sinh giảm nhanh hơn so với phía Tây. Tính từ tháng 1 đến tháng 7 năm 2024, khoảng 392.000 trẻ em đã ra đời ở Đức, giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng giảm này đã kéo dài từ năm 2022 và 2023, khi tổng số trẻ sinh ra trong hai năm chỉ đạt 693.000, trong khi con số này năm 2021 là 795.500 trẻ.
Lượng trẻ sơ sinh ở Đức từng giảm xuống dưới mức 700.000 trong các năm trước, nhưng từ 2016 đến 2021, con số này tăng trở lại, đạt hơn 9 trẻ trên mỗi 1.000 dân. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ này đã giảm còn 8,2, thấp hơn đáng kể so với các giai đoạn trước. Theo số liệu của Ifo, các bang phía Đông Đức ghi nhận mức giảm tới 17,5% từ năm 2021 đến năm 2023, trong khi phía Tây giảm khoảng 13%. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do nhiều phụ nữ trẻ chọn di chuyển từ miền Đông sang miền Tây để tìm cơ hội nghề nghiệp và cuộc sống tốt hơn.
Tỷ lệ sinh thấp không chỉ ảnh hưởng đến quy mô nhân khẩu mà còn đặt ra những thách thức lớn về hạ tầng và an sinh xã hội tại Đức. Việc giảm số trẻ sinh ra có thể tác động lâu dài đến hệ thống giáo dục và nhà trẻ, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động tương lai và tài chính ổn định của quỹ hưu trí. Điều này cũng làm gia tăng nhu cầu nhập cư để bù đắp sự thiếu hụt nguồn nhân lực. Ông Joachim Ragnitz, Phó Giám đốc chi nhánh Ifo tại Dresden, nhận định nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quyết định sinh con của người Đức, bao gồm chi phí nuôi dạy trẻ và cân nhắc về lợi ích kinh tế. Chi phí trung bình để nuôi một đứa trẻ ở Đức được ước tính vào khoảng 180.000 euro trong 18 năm đầu đời, một con số không nhỏ đối với nhiều gia đình.
Đời sống | Tổng hợp tin tức đời sống mới nhất trong ngày