Cốt khí củ, hay còn được biết đến với tên khoa học là *Fallopia japonica*, là một trong những loài thực vật xâm lấn nhất thế giới. Tại Anh và nhiều quốc gia khác, loài cây này được xem như “ác mộng” bởi sức phá hoại vượt ngoài tầm kiểm soát. Hệ thống rễ của cốt khí củ có thể xuyên thủng móng nhà, cầu cống hay vỉa hè, gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Theo thống kê vào năm 2012, các bất động sản tại Anh bị cốt khí củ xâm lấn đã bị giảm giá trị lên tới 25 tỷ USD.
Sức sống mãnh liệt của cốt khí củ đến từ khả năng sinh sản vượt trội. Chỉ cần một đoạn thân rễ nhỏ, nặng vài gam, loài cây này có thể mọc lại và nhanh chóng lan rộng. Chính phủ Anh đã áp dụng nhiều biện pháp từ sử dụng thiên địch như rệp, đến phun thuốc diệt cỏ hóa học. Tuy nhiên, những nỗ lực này không chỉ tốn kém mà còn đòi hỏi thời gian dài, trong khi hiệu quả lại không như mong đợi.
“Thảm họa sinh thái” thành đặc sản tại Trung Quốc
Cốt khí củ cũng làm suy giảm đa dạng sinh học tại các khu vực chúng chiếm lĩnh. Khi mọc thành bụi dày đặc, chúng ngăn cản ánh sáng mặt trời tiếp cận các loài thực vật bản địa, đồng thời hút cạn khoáng chất và chất dinh dưỡng từ đất. Điều này khiến nhiều loài thực vật khác không thể sinh tồn, dẫn đến sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng.
Trái ngược với sự ác cảm ở phương Tây, tại Trung Quốc, cốt khí củ được người dân tận dụng và biến thành những món ăn đặc sản hấp dẫn. Phần thân non của cây được chọn lọc, gọt vỏ và chế biến thành nhiều món ăn đa dạng như nấu canh chua, xào hoặc trộn với gia vị. Đặc biệt, món canh chua từ thân non của cốt khí củ tại Quý Châu đã trở thành đặc sản khiến thực khách khó quên.
Không chỉ dừng lại ở giá trị ẩm thực, cốt khí củ còn được đánh giá cao trong y học cổ truyền. Theo “Bản thảo cương mục,” loại cây này có khả năng hoạt huyết, thanh nhiệt giải độc và trị các bệnh như ho hay suyễn.
Trong y học hiện đại, thành phần resveratrol từ thân rễ cốt khí củ được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm chống lão hóa và thực phẩm chức năng. Đây là một minh chứng cho thấy khả năng khai thác tài nguyên thiên nhiên linh hoạt và hiệu quả của người dân Trung Quốc.
Việc biến một loài cây xâm lấn thành nguồn thực phẩm và dược liệu không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn tạo thêm giá trị kinh tế. Câu chuyện về cốt khí củ tại Trung Quốc mở ra góc nhìn mới về cách ứng phó với các loài thực vật xâm lấn – từ việc tiêu diệt đến tận dụng chúng một cách khôn ngoan.
Đời sống | Tổng hợp tin tức đời sống mới nhất trong ngày