Những chiếc tàu du lịch ở Hạ Long “bạc tỷ” chỉ còn là phế liệu
Hơn 1 tháng trước (từ ngày 7/9), bão số 3 – siêu bão Yagi đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Quảng Ninh đã khiến 27 tàu du lịch ở TP Hạ Long bị chìm đắm, một số tàu bị va đập gây hư hỏng. Sau khi cơn bão đi qua, dù giá trục vớt lên đến cả trăm triệu đồng nhưng thiếu đơn vị nhận việc nên nhiều chiếc tàu “bạc tỷ” vẫn phải ngâm mình dưới nước thời gian dài.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Trần Văn Hồng – Chi hội trưởng Chi hội tàu du lịch Hạ Long xót xa: “Phải đến tận ngày 12/10, chiếc tàu du lịch cuối cùng bị đắm do bão số 3 mới được trục vớt tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu”.
Đến ngày 12/10, chiếc tàu cuối cùng tại Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu mới được trục vớt lên. Ảnh: Thu Lê.
Anh Nguyễn Hữu Kiên, chủ tàu Bài thơ 36 – chiếc tàu cuối cùng được vớt lên cho biết, anh có 2 chiếc tàu du lịch hoạt động ở Hạ Long thì đều bị đắm trong cơn bão số 3. “Sau khi trục vớt hết lên, toàn bộ máy móc thiết bị trên 2 chiếc tàu đều bị hỏng hóc không thể sửa chữa”, anh Kiên rầu rĩ nói.
Do ngâm nước biển nhiều ngày, hầu hết số tàu du lịch ở TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 – siêu bão Yagi đều đã hỏng hóc toàn bộ, không thể sửa chữa. Ảnh: Thu Lê.
Còn anh Bằng – chủ tàu Minh Hương QN5969 – cho biết, chiếc tàu được vớt lên từ ngày 3/10 nhưng cũng không may mắn hơn là mấy. Toàn bộ phần thiết bị, nội thất khác đều bị hư hỏng không thể phục hồi, phần nào làm bằng kim loại thì còn có thể bán sắt vụn. Chỉ có máy chính được tháo ra và mang đi sửa chữa. “Máy bê đi để thợ xem thôi nhưng chắc cũng không còn hi vọng gì nữa vì ngâm nước biển nhiều ngày, khả năng cũng để bán sắt vụn”, anh Bằng nói.
Toàn bộ phần nội thất của một con tàu đắm ở Hạ Long do cơn bão số 3 (Yagi) đã bị hỏng nặng trước khi được trục vớt. Ảnh: Thu Lê.
Cần giãn nợ, khoanh nợ và hỗ trợ vay vốn cho các chủ tàu du lịch ở Hạ Long để đóng mới
Theo thông tin phóng viên Dân Việt nắm được, trong số 23 tàu bị đắm tại Cảng Tàu khách Quốc tế Tuần Châu (Hạ Long, Quảng Ninh) đã được trục vớt lên, chỉ có 2 chiếc được chủ tàu mang đi sửa và có khả năng “cứu” được. Hiện nay, nhiều chủ tàu đang tính vay vốn ngân hàng để đóng mới tàu, và nhanh chóng quay lại hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, để đóng mới một con tàu tiếng, quy mô khoảng 48 khách, cần kinh phí từ 5-7 tỷ đồng/tàu. Khoản vốn này khiến nhiều chủ tàu gặp khó khăn, không thể xoay xở được, cũng như thời gian để đóng tàu sớm được. Trong khi đó, nếu sau 2 năm tàu không hoạt động thì Giấy chứng nhận phương tiện thủy nội địa sẽ bị huỷ.
“Tàu của chúng tôi đã bị thiệt hại rất nặng và không thể sửa chữa nữa, bây giờ chỉ còn cách phải đóng mới. Chúng tôi mới trải qua đợt dịch Covid-19, vừa mới phục hồi thì lại gặp cơn bão này. Không thể xoay xở đâu ra ngay được 7-8 tỷ để đóng tàu mới ngay được. Do đó, rất mong cơ quan chức năng giãn và nâng thời hạn lên 4-5 năm để chúng tôi có thể tái khởi động lại việc kinh doanh”, ông Nguyễn Mạnh Hà, chủ tàu Bài thơ 86 mong muốn.
Việc giãn nợ, khoanh nợ và hỗ trợ vay vốn cũng là mong mỏi của các chủ tàu để đóng mới tàu sau bão số 3. Điều này không những hỗ trợ sớm khôi phục lại đội tàu du lịch trên vịnh Hạ Long, mà còn góp phần thực hiện kế hoạch phát triển, nâng cao chất lượng đội tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đến năm 2030 đang được tỉnh Quảng Ninh xây dựng.
Theo kế hoạch này, Quảng Ninh đã đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% số lượng tàu du lịch hoạt động trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long được đóng mới, thay thế bằng vỏ thép hoặc vật liệu tương đương.
Trong đó, đối với quy mô, số lượng tàu du lịch, sẽ bổ sung tàu du lịch có chất lượng cao, tạo ra sản phẩm mới nhưng không vượt quá tổng số lượng tàu du lịch theo đánh giá sức tải du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long đối với từng giai đoạn.
Hàng năm, tỉnh sẽ rà soát, công bố số lượng tàu du lịch được bổ sung trên cơ sở không vượt quá sức tải du lịch được công bố và phù hợp với kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy. Tại vịnh Hạ Long không vượt quá 520 chiếc, không bao gồm du thuyền khám phá. Tại vịnh Bái Tử Long, trước mắt sẽ bổ sung 100 tàu trong giai đoạn tới 2025.
Đối với việc đóng mới tàu du lịch, tỉnh khuyến khích tàu có trọng tải từ 200 khách trở lên và tàu lưu trú đóng đáy đôi và nâng cao tiêu chuẩn, điều kiện an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, có chất lượng dịch vụ cao.
Dự thảo Kế hoạch sẽ tiếp tục được xin ý kiến các sở, ban, ngành, cũng như đăng tải công khai để tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp du lịch, lữ hành… trong tháng 10 này trước khi được ban hành chính thức.
Đời sống | Tổng hợp tin tức đời sống mới nhất trong ngày