American’s Next top Model (ANTM) là chương trình gốc của loạt phiên bản chương trình tìm kiếm người mẫu trên toàn thế giới.
Trải qua 21 mùa thi, cái nôi của loạt chương trình truyền hình thực tế này đã có rất nhiều sự thay đổi nhằm gia tăng sức nóng, đối phó với việc suy giảm rating. Tuy nhiên cái đích cuối cùng của chương trình, đó là đào tạo và cung cấp cho ngành thời trang những gương mặt mới triển vọng lại dường như chưa bao giờ đạt tới.
Nói cách khác, ngay cả “mẹ đẻ” của loạt chương trình tìm kiếm siêu mẫu cũng chưa từng tìm kiếm được một nhân tố nào sáng giá cho làng chân dài thế giới.
Phiên bản gốc của các chương trình tìm kiếm “người mẫu hàng đầu” trên khắp thế giới
ANTM: Nơi tìm kiếm siêu mẫu hay trò giải trí?
ANTM được cho là một chương trình tìm kiếm người mẫu đầy khác biệt, là nơi tôn vinh những vẻ đẹp đa dạng. Tuy nhiên, chính sự “đa dạng” đó lại biến chương trình thành một mớ hỗn tạp.
Ngay từ những mùa đầu tiên của ANTM, Tyra Bank đã ưu ái những người có hình thể hoặc hoàn cảnh kỳ lạ vào chương trình. Chưa dừng lại ở đó, Tyra Bank còn tạo điểm nhấn cho ANTM bằng cách vượt định kiến để đưa họ lên làm quán quân.
Trong lịch sử chương trình, không thiếu các á quân, quán quân mà đến chính bản thân Tyra cũng hiểu rằng họ không hề vừa vặn với giới người mẫu chuyên nghiệp. Chẳng hạn như việc đưa một cô Ann Ward cao 1m88, eo 45cm nặng 45 kg lên ngôi cao nhất, đi ngược lại trào lưu phản đối người mẫu siêu gầy nguy hại tới giới trẻ, hay Lisa D’Amato vẫn đăng quang quán quân ở độ tuổi 30 (độ tuổi lý tưởng để phát triển sự nghiệp của người mẫu là khoảng 16, 17 tuổi. Từ 20 trở lên được xem là đã hơi già).
Ann Ward đã từ bỏ sự nghiệp người mẫu ít lâu sau khi đoạt quán quân
Nếu nói về tỉ suất xem đài (rating) thì ANTM vẫn thuộc hàng top. Tuy nhiên mấy năm gần đây rating liên tục bị rớt đài thảm hại do phải cạnh tranh với những chương trình khác. Bí quyết để Tyra vớt vát lại vài % rating đó là sử dụng chiêu thức quen thuộc của mọi chương trình truyền hình thực tế, đó là chiêu trò.
Từ việc thay đổi thể lệ chương trình khi cho người mẫu nữ và nam ở cùng nhà chung, cho tới việc mở một mùa thi toàn “nữ hoàng rắc rối” thường xuyên gây sự từng bị loại trong quá khứ, và chiêu giữ lại những chân dài hay gây chuyện hoặc quá yếu kém tới gần cuối chương trình… là một vài mánh tăng rating tiêu biểu của Tyra Bank.
Một thí sinh của chương trình từng tiết lộ chương trình này sử dụng những góc máy, cắt cúp các đoạn mâu thuẫn để biến cô thành một nữ hoàng rắc rối đáng ghét. Một vài người từng tham gia cũng khẳng định mâu thuẫn tại nhà chung là có nhưng hoàn toàn không hề căng thẳng như khi trình chiếu trên truyền hình. Cũng có ý kiến tiết lộ việc xây dựng hình ảnh méo mó, không thể hiện trọn vẹn sự thật như thế làm ảnh hưởng tới cuộc sống đời thường của họ.
Chương trình ANTM là nơi mọi người, mọi kích cỡ đều được gọi là người mẫu
Không phủ nhận được hiệu quả của chúng, tuy nhiên, chương trình của Tyra rõ ràng hấp dẫn bởi những màn thí sinh thể hiện cái tôi kỳ cục chứ không hề lôi cuốn bởi chất lượng của người mẫu. Đó cũng là lý do tại sao không ít lần chương trình của Tyra bị truyền thông Mỹ ví von như một cái chợ hoặc tệ hơn là “một đống rác”.
Cũng phải nói thêm, mục đích của Tyra Bank khi xây dựng chương trình hoàn toàn tốt: Đó là cân bằng lại chuẩn vẻ đẹp, ai cũng có thể làm người mẫu. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thực tế thì so với lịch sử ngành công nghiệp người mẫu có bề dày hàng trăm năm đã tồn tại bao định kiến thì một cuộc thi có tuổi đời hơn chục năm như Next top chỉ giống như một hòn đá nhỏ giữa thác nước, không thể đảo ngược lại chiều của dòng nước.
Mùa vừa rồi, ANTM gây chú ý với một chân dài bạch biến khá ấn tượng nhưng kỹ năng người mẫu lại quá kém
Số phận các chân dài bước ra khỏi cuộc thi
Cụm từ “Tìm kiếm người mẫu hàng đầu” trong cái tên của chương trình dường như là chiếc áo quá khổ so với chính nó. Sau 21 mùa thi, số lượng chân dài thành công ở mức vừa vừa đếm trên đầu ngón tay, số thí sinh trở thành siêu mẫu hay người mẫu nổi danh là số 0 tròn trĩnh.
Rất nhiều quán quân hay thí sinh nổi trội như Eva Marcille, Adrianne Curry… sau khi rời ANTM được catwalk cho vài show thời trang rồi quay sang phát triển sự nghiệp qua các chương trình truyền hình thực tế.
Chỉ có 1 trường hợp cá biệt là Fatima Siad – cô gái gốc Somali tuy chỉ dừng chân ở top 3 mùa 10 và vốn không được Tyra Bank đánh giá quá cao lại có một số thành công nhất định như catwalk cho Ralph Lauren, Hermès, Dries van Noten, tham gia chiến dịch quảng cáo mùa xuân của Hervé Léger. Fatima được xem là “kẻ thua cuộc vĩ đại nhất lịch sử Next Top”.
Trái với suy nghĩ của nhiều người là Fatima Siad sử dụng bàn đẩy tiến thân là vị trí top 3 ANTM. Thực tế chính ANTM đã cản trở Fatima phát triển sự nghiệp người mẫu. Trong một bài phỏng vấn, Fantima cho biết một năm đầu tiên sau khi được xướng tên trong top 3 của chương trình, cô gần như không nhận được hợp đồng nào vì các thương hiệu không muốn tên tuổi của mình liên quan tới những chương trình truyền hình thực tế lắm chiêu nhiều trò.
Fatima – “kẻ thua cuộc vĩ đại nhất lịch sử Next Top”
Sau đó, công ty quản lý của Fatima yêu cầu cô cắt đứt mọi liên quan tới chương trình truyền hình thực tế và phải xây dựng lại hình ảnh của mình từ đầu. Fatima nhận định những chương trình tìm kiếm người mẫu như ATNM về cơ bản có chút liên quan tới thời trang nhưng chắc chắn không thể đại diện cho thời trang. Đứng ở góc nhìn của một người mẫu chuyên nghiệp, Fatima cho rằng bạn cần tránh xa khỏi những chương trình thực tế, đó chỉ là trò giải trí tốn thời gian, không phải là thời trang. Cô cho biết rất nhiều các “Top model” cũng gặp phải tình cảnh tương tự, bị từ chối vì sau khi khách hàng phát hiện ra từng tham gia chương trình này.
Quán quân mùa 7 CariDee English cũng phê bình Tyra Bank và chương trình. Cô cho biết không ai trong giới coi cô là một người mẫu thực thụ bởi cô bước ra từ một chương trình truyền hình thực tế tìm kiếm người mẫu tổ chức mỗi năm tới 3 mùa. 6 năm sau khi bước lên ngôi quán quân, CairiDee English cho biết cô vẫn vô vọng trên con đường thuyết phục giới chuyên môn đánh giá cao về mình. CairiDee còn tiết lộ thêm Tyra Bank không có sự hỗ trợ gì cho các thí sinh sau khi họ rời khỏi chương trình.
CariDee English
Nhận định của giới chuyên gia thời trang
Không chỉ thí sinh mà giới chuyên gia thời trang và người mẫu chuyên nghiệp cũng đánh giá thấp về tính chuyên môn của chương trình.
Cựu người mẫu Rebecca Romijn từng mỉa mai ANTM bằng những lời lẽ hết sức nặng nề: “Chả có hạt vàng nào dành cho ngành công nghiệp thời trang. Hầu như tất cả thí sinh tham dự chương trình chỉ như lũ chuột cống góc chợ”.
Nhà thiết kế Karl Lagerfeld lừng danh của Chanel thẳng thừng chê bai: “Đống rác rưởi này chỉ đáng cười trong 5 phút khi bạn xem cùng ai đó nhưng chả buồn cười tí nào khi bạn ở một mình. Những cô ả trẻ tuổi kia chẳng bao giờ có thể thành danh được như Gemma Ward, họ chả có ích lợi gì cho ngành thời trang”.
Chân dài “Next Top” đi catwalk chuệch choạc trên sàn diễn
Franca Sozzani, tổng biên tập của cuốn “kinh thánh làng thời trang” Vogue Ý thì nhận xét chương trình truyền hình thực tế như Next top model đều rất buồn tẻ và không cần thiết.
Năm 2006, tạp chí Allure cũng đăng tải một bài viết với nhận định ATNM chẳng đào tạo nổi “một người mẫu nào nên hồn’.
12 năm, 21 mùa thi với 21 quán quân. Guồng quay của cuộc thi ANTM đang bị đẩy quá nhanh khiến nhiều người tự hỏi liệu thực sự nước Mỹ có nhiều “Top model – người mẫu hàng đầu” đến thế. Câu hỏi này sẽ dễ trả lời hơn khi người hỏi bỏ qua mặc định đây là một cuộc thi tìm người mẫu xuất chúng mà chỉ là một chương trình giải trí.
Nguồn: Sưu Tầm