Lễ hội chùa Láng và dấu ấn thiền sư Từ Đạo Hạnh
Chùa Láng (tên chữ là Chiêu Thiền tự) là một trong những ngôi chùa cổ xưa tại Hà Nội. Được xây dựng vào thời vua Lý Anh Tông (1138-1175), ngôi chùa mang đậm phong cách kiến trúc thời Lý và chứa đựng những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa đã trường tồn theo thời gian, tạo dựng nét độc đáo, đặc sắc của vùng đất Thăng Long – Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Ngoài thờ Phật, chùa Láng còn gắn liền với cuộc đời của thiền sư Từ Đạo Hạnh – người có công lớn trong việc xây dựng và phát triển nền Phật giáo Việt Nam thời Lý. Thiền sư Từ Đạo Hạnh được xem là hóa thân của vua Lý Thần Tông.
Chuyện kể rằng Từ Đạo Hạnh là vị sư tài giỏi, đức độ, có kiến thức sâu rộng về đạo Phật, thường đi giảng đạo ở khắp nơi. Tương truyền, thiền sư Từ Đạo Hạnh trước khi mất có nói rằng sẽ thác sinh lần nữa vào trong cung.
Ngày ông viên tịch cũng là ngày vợ Sùng Hiền Hầu (tôn thất nhà Lý sinh ra con trai), đặt tên là Dương Hoán. Vua Lý Nhân Tông bèn đem về nhận làm con nuôi và lập làm Thái Tử, sau trở thành vua Lý Thần Tông.
Sau này, con trai của Lý Thần Tông là vua Lý Anh Tông đã cho xây chùa thờ cha và hiện thân của Ngài là Từ Đạo Hạnh. Từ đó, hàng năm, nhân dân chọn ngày mùng 7 tháng 3 (tức ngày hóa của Ngài) để tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ đến thiền sư và cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép về hội Láng: “Hàng năm mùa xuân, cứ đến mùng 7 tháng 3, dân chúng tụ tập ở chùa, là hội vui nhất vùng”, còn dân gian lại đặt thành ca dao: “Nhớ ngày mùng bẩy tháng ba/ Trở vào hội Láng, trở ra hội Thầy”.
Hội Láng xưa diễn ra trong 10 ngày được 9 làng tham dự, là một trong những hội lớn nhất và hấp dẫn nhất phía Tây kinh thành Thăng Long. Vì thế, cứ 10 – 15 năm mới rước Thánh một lần, đấy là năm đại hội “phong đăng, hỏa cốc”, “dân khang vật thịnh”. Đây là một trong những lễ hội lớn và hấp dẫn nhất phía Tây kinh thành Thăng Long, với quy mô rộng lớn và không khí tấp nập, tưng bừng của các nghi thức rước Thánh, các trò chơi dân gian và lễ tế Thánh.
Năm 1962, chùa Láng là một trong 12 di tích tiêu biểu của Thủ đô được xếp hạng cấp quốc gia đợt đầu tiên. Tháng 12/2019, lễ hội chùa Láng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Phục dựng nhiều nghi thức truyền thống sau 70 năm
Lần cuối cùng lễ hội chùa Láng được tổ chức đầy đủ theo tục lệ cổ truyền là năm 1953. Vì nhiều nguyên nhân, có những giai đoạn lễ hội chùa Láng bị gián đoạn trong thực hành tín ngưỡng. Đến năm 1995, lễ hội chùa Láng được khôi phục, nhưng không tổ chức rước như trước kia mà chỉ là hội lệ, nghĩa là không tổ chức rước kiệu Thánh mà chỉ khiêng kiệu ra nhà Bát giác ngự ở đó để cho nhân dân tấu lễ và chiêm ngưỡng.
Thể theo nguyện vọng của nhân dân mong muốn được Phục dựng lễ rước kiệu cổ truyền sau gần 70 năm, tới năm 2023, lễ hội truyền thống chùa Láng đã được tổ chức đầy đủ theo những tục lệ cổ truyền. Sự kiện diễn ra tưng bừng, thu hút hàng vạn người dân và khách thập phương tham dự.
Hội Láng ngày nay diễn ra từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng Ba âm lịch, bắt đầu bằng đám rước bát hương đến chùa Nền, với ý nghĩa Thánh về thăm nơi chôn rau cắt rốn, dâng lễ biểu hiện lòng hiếu thảo, kính trọng người đã sinh ra mình.
Náo nhiệt, hấp dẫn là mùng 7 với những nghi thức trang trọng và đám rước quy mô hoành tráng, kiệu Thánh được rước dọc sông Tô Lịch từ Chùa Láng ra Cầu Cót. Kiệu không đi trên cầu mà đi trên sông Tô Lịch gọi là nghi thức “Độ hà” và dừng lại trên “Hòn ngọc” để chuyển tiếp sang bờ, đến chùa Hoa Lăng thăm “Thánh Mẫu”. Tại đây, điều làm nên nét riêng của lễ hội là hình thức trình diễn “hội Thánh” rất sôi nổi, thu hút nhiều người tham gia.
Tới ngày mùng 8 sẽ diễn ra các nghi thức tế lễ, dâng hương và hoạt động tín ngưỡng truyền thống, dẫn lục cúng… Trong đó, “Độ hà” và “Đấu thần” là hai nghi thức quan trọng, là điểm nhấn của lễ hội được phụng dựng, tái hiện những sự kiện quan trọng trong cuộc đời Thiền sư Từ Đạo Hạnh.
“Đấu thần” là nghi thức diễn ra tại chùa Thánh Tổ, nơi thờ Pháp sư Đại Điên. Đây là cuộc “đấu pháo” độc đáo, mô phỏng lại trận so tài giữa Thiền sư Từ Đạo Hạnh và Pháp sư Đại Điên, với pháo thăng thiên kéo dài khoảng nửa giờ từ đoàn rước di chuyển giữa chùa Láng và chùa Thánh Tổ.
Việc phục dựng nghi thức “Độ hà” được thực hiện bằng việc trai đinh khiêng kiệu lội qua sông Tô Lịch mà không đi trên cầu. Hàm ý là “con không đi trên đầu cha”, do trước kia cụ thân sinh ra Thiền sư Từ Đạo Hạnh bị kẻ xấu sát hại và vứt xác xuống sông.
Khi kiệu trở lại chùa Láng, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ cũng bắt đầu diễn ra, thu hút đông đảo người dân sau khi lễ Phật và lễ Thánh.
Lễ hội Chùa Láng là biểu tượng của tinh thần đoàn kết, sự liên kết sâu sắc giữa các cộng đồng tham gia lễ hội. Đó cũng là bức tranh tổng hòa các giá trị văn hóa phi vật thể, từ ngữ văn truyền khẩu là các câu chuyện truyền thuyết về Từ Đạo Hạnh, nghệ thuật trình diễn qua các tích trò, tập quán xã hội và tín ngưỡng với các tục hèm… đến tri thức dân gian thể hiện qua nghệ thuật sắp lễ tạo thành biểu tượng của vũ trụ, thiên tử và Phật pháp, qua đó góp phần duy trì thuần phong mỹ tục của địa phương.
Đời sống | Tổng hợp tin tức đời sống mới nhất trong ngày